Đức: Đình công lan rộng, thiệt hại 100 triệu Euro/ngày; Nguy cơ 3 triệu doanh nghiệp gia đình  phá sản; Hoán chuyển tên lửa hành trình cho Ukraine

Nhà ga lớn không một bóng hành khách.

ĐÌNH CÔNG LAN RỘNG NHIỀU LĨNH VỰC, THIỆT HẠI TỚI 100 TRIỆU EUR/NGÀY

Đình công liên tục trên nhiều ngành

Tuần này, người dân Đức sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc di chuyển, vì các tài xế tàu hỏa thông báo hôm Chủ nhật (10/3) về lệnh dừng mới kéo dài 24 giờ, ngay sau thông báo đình công của phi hành đoàn Lufthansa.

Liên đoàn tài xế tàu hỏa GDL cho biết cuộc đình công mới nhất ảnh hưởng đến dịch vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa sẽ bắt đầu diễn ra từ 12-14/3, do liên đoàn chưa đàm phán được với nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn về việc giảm số giờ làm việc.

Đây là cuộc đình công lần thứ 6 của Liên đoàn kể từ tháng 11 và diễn ra chưa đầy một tuần sau khi các tài xế tàu dừng hoạt động kéo dài 35 giờ, gây ra tình trạng đi lại khó khăn cho hàng nghìn hành khách đường sắt.

Phi hành đoàn của hãng hàng không Lufthansa

Cũng đình công tại sân bay Frankfurt vào ngày 12/3 và tại sân bay München vào ngày 13/3, do các nhân viên mặt đất yêu cầu tăng lương.

Hãng hàng không lớn nhất của Đức đã cảnh báo rằng các cuộc đình công đang diễn ra của hàng nghìn nhân viên mặt đất và công nhân sân bay có thể ảnh hưởng đến thu nhập của họ trong quý này, sau khi các cuộc đình công hồi đầu năm nay đã khiến công ty thiệt hại hơn 100 triệu USD.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những cuộc đình công đã diễn ra tại Đức từ năm ngoái và ngày càng mở rộng hơn từ đầu năm, tới nay gây ảnh hưởng tới hệ thống giao thông công cộng, du lịch và hoạt động công nghiệp, làm tăng thêm những rủi ro kinh tế cho đất nước đang có nguy cơ suy thoái.

Yêu sách của công đoàn

Tranh chấp giữa các thành viên công đoàn và các công ty vận tải đã diễn ra trong nhiều tháng ở Đức, khi tình trạng lạm phát cao và thiếu nhân công khiến người lao động phải làm việc nhiều hơn mà không được tăng lương.

Giảm giờ làm

Cùng với việc yêu cầu tăng lương, công đoàn GDL đã kêu gọi giảm giờ làm việc từ 38 xuống 35 giờ mỗi tuần mà không cắt giảm lương, điều mà nhà điều hành tàu Deutsche Bahn đã từ chối.

Tăng 12,5% lương

Công đoàn Ver.di đang tìm cách tăng lương 12,5%, hoặc ít nhất thêm 500 EUR/tháng, trong các cuộc đàm phán với gần 25.000 nhân viên mặt đất của Lufthansa bao gồm nhân viên kiểm tra, xử lý máy bay, bảo trì và vận chuyển hàng hóa.

Trưởng đoàn đàm phán của Ver.di, ông Marvin Reschinsky, cho biết các cuộc đình công diễn ra vào thời điểm các công nhân mặt đất hầu như không kiếm được mức lương tối thiểu, nhưng Lufthansa của Đức lại có tỷ suất lợi nhuận cao.

Thiệt hại kinh tế cả ngành giao thông lẫn toàn bộ nền kinh tế

Mức thiệt hại toàn bộ nền kinh tế

Ngành công nghiệp đã cảnh báo về "chi phí" của những cuộc đình công, sau khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm 0,3% vào năm 2023 và chính phủ cảnh báo về sự phục hồi yếu hơn dự kiến. Truyền thông Đức cho rằng các cuộc đình công trong ngành hàng không và đường sắt của Đức có thể kéo nền kinh tế nói chung đi xuống. Ông Michael Groemling, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại IW Koeln cho biết, một cuộc đình công đường sắt trên toàn quốc kéo dài một ngày sẽ gây thiệt hại khoảng 100 triệu EUR (107 triệu USD) sản lượng kinh tế.

Đơn đặt hàng giảm

Số liệu chính thức cho thấy trong tháng 1 năm nay, số đơn đặt hàng công nghiệp mới trong nước ở Đức giảm 11,2% so với tháng trước; số đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm 11,4% so với tháng trước, trong đó số đơn đặt hàng mới từ khu vực đồng EUR giảm 25,7%.

Bên cạnh đó, viện kinh tế DIW Berlin cảnh báo rằng nền kinh tế Đức sẽ không tăng trưởng nhanh như mong đợi, dự báo sẽ có một cuộc suy thoái vào đầu năm nay.

Tổng sản phẩm quốc nội giảm

Theo DIW, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến ​​​​sẽ giảm 0,1% trong quý I, sau khi nền kinh tế suy giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023, đồng nghĩa với việc Berlin sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong bối cảnh đất nước bị "bao trùm" trong các cuộc đình công làm giảm năng suất kinh tế.

Ngân hàng trung ương Đức nhấn mạnh rằng họ tin rằng cuộc suy thoái tiềm tàng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng Bundesbank cảnh báo về áp lực tiềm tàng đối với thị trường xuất khẩu quan trọng của Đức, cho biết nhu cầu đối với hàng hóa do Đức sản xuất dường như đang “giảm đáng kể”.

NGUY CƠ BA TRIỆU DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH PHÁ SẢN HOẶC BÁN

Ngày càng nhiều doanh nghiệp gia đình, vốn là xương sống của nền kinh tế Đức, phá sản.

Nguyên nhân

Thâm hụt ngân sách gia tăng khiến Đức phải dỡ bỏ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khiến ngày càng nhiều công ty gia đình trị nổi tiếng tại đây phải rao bán vì bên bờ vực phá sản.

Bên cạnh đó, chi phí đi vay tăng cao cùng giá năng lượng đắt đỏ càng khiến nhiều ông chủ từ bỏ truyền thống không chấp nhận nhà đầu tư bên ngoài.

Văn hóa phân biệt rạch ròi giữa thời gian riêng tư và giờ đi làm, cộng với sự bảo hộ quá mức của chính phủ với người lao động đang khiến các doanh nghiệp Đức gặp vô vàn khó khăn.

Vai trò công ty gia đình và nguy cơ phải từ bỏ

Các doanh nghiệp gia đình, chủ yếu ở mức tầm trung của Đức Mittelstand nổi tiếng toàn cầu do có chuyên môn cao và trải rộng khắp thị trường y, được mệnh danh là những nhà vô địch tiềm ẩn làm nên nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Doanh nghiệp tầm trung là những doanh nghiệp có doanh thu từ 1 triệu đến 50 triệu Euro/năm, hoặc tối đa 499 lao động.

Theo truyền thống, các chủ sở hữu công ty chỉ chuyển nhượng trong gia đình và rất hạn chế xem xét nhận đầu tư từ bên ngoài hay bán lại công việc kinh doanh trừ phi không còn lối thoát.

Thế nhưng giờ đây, chuyên gia Burc Hesse của hãng luật Latham Watkins cho biết ngày càng nhiều cởi mở hơn với đề nghị đầu tư để trở thành công ty cổ phần.

"Ngày càng nhiều ông chủ người Đức than phiền về công việc kinh doanh đang khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi vậy việc bán công ty sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi chẳng phải quan tâm đến chi phí hoạt động nữa", ông Hesse thừa nhận.

Điều kiện kinh doanh tại Đức đang ngày một khó khăn hơn

Nhất là khi tòa án hiến pháp Liên bang Đức ra án lệnh cho chính phủ ngừng tài trợ doanh nghiệp nhằm tránh gia tăng thâm hụt ngân sách.

Trong khi chính phủ hạn chế đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp thì chi phí năng lượng tăng cao, lãi vay đi lên khiến nhiều công ty Đức gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

Ví dụ tiêu biểu nhất là việc gia đình Viessman có trụ sở tại Frankfurt đã bán nhà máy sản xuất máy bơm nhiệt nổi tiếng của gia tộc mình cho tập đoàn Carrier Global của Mỹ. Thỏa thuận này đem về khoản tiền mặt trị giá 12 tỷ Euro. Tuy nhiên thương vụ này đã tạo nên sự phản đối kịch liệt trong cộng đồng doanh nghiệp Đức dù gia đình Viessman đã ở vào tình cảnh bất đắc dĩ.

Theo thỏa thuận, người thừa kế của gia đinh Viessman sẽ trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Carrier Global và gia nhập hội đồng quản trị của công ty Palm Beach Gardens. Số tiền kiếm được sẽ được gia đình Viessman đầu tư những mảng kinh doanh khác của gia tộc.

Quá bảo hộ người lao động

Nhà sáng lập May cho biết tình trạng bảo hộ người lao động quá mức, vốn là tệ nạn lâu năm tại nền kinh tế này là một yếu tố nữa khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Mặc dù văn hóa không làm việc khi hết giờ và phân chia rõ ràng thời gian cá nhân và thời gian làm việc có lợi cho người lao động nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến hiệu suất giải quyết công việc.

Tệ hơn, đạo luật mới năm 2023 của Đức yêu cầu các công ty nhiều hơn 50 lao động phải thiết lập hệ thống tố giác ẩn danh tiêu tốn hàng chục nghìn Euro càng khiến chi phí nhân lực tăng cao.

Trong khi đó, chính phủ lại thu hồi các quỹ cứu trợ thời đại dịch khiến nhiều ông chủ không còn muốn tiếp tục làm ăn. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cũng bày tỏ sự quan ngại tương tự vào tháng 2/2024 khi Đức tụt hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh suốt 10 năm qua.

Không muốn thừa kế

Bên cạnh đó, dân số già hóa khiến nhiều gia tộc không có người kế nhiệm vì tỷ lệ sinh đẻ thấp. Nhiều người kế tục tại Đức thì lại có tư tưởng khác biệt, không còn muốn kế thừa công ty từ gia đình.

Báo cáo của Ngân hàng KfW cho thấy khoảng 125.000 Mittelstand sẽ được chuyển giao cho tầng lớp kế cận từ nay đến năm 2027, nhưng gần ¾ trong số đó gặp vấn đề về việc chuyển giao cho lớp trẻ.

Thế rồi khi được chuyển giao thành công thì khả năng lớp trẻ bán công ty gia đình cho người ngoài cũng khá cao.

XEM XÉT HOÁN CHUYỂN TÊN LỬA HÀNH TRÌNH CHO UKRAINE

Berlin lần đầu xác nhận đang thảo luận với London về khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Anh, để nước này chuyển dòng tên lửa Storm Shadow của họ cho Ukraine. Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h.

Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể.

Đức từng hoán chuyển vũ khí

Vào tháng 9/2022 Đức từng ký một thỏa thuận, trong đó Ljubljana chuyển 28 xe tăng M-55 S, biến thể hiện đại hóa của T-55, tới Ukraine, để đổi lấy 40 phương tiện quân sự do Berlin sản xuất. Đức trước đó cũng cung cấp thiết giáp Marder cho Hy Lạp để nước này chuyển cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh BMP-1 từ thời Liên Xô.

Hoán chuyển vũ khí với Anh

Ngoại trưởng Anh David Cameron cuối tuần trước đề xuất một thỏa thuận hoán chuyển vũ khí với Đức, trong đó Berlin sẽ chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho London, đổi lại Anh sẽ cung cấp dòng tên lửa tương đương Storm Shadow cho Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sau đó cho hay đây là một phương án mà Berlin đang xem xét. Bà thêm rằng hoán chuyển vũ khí là ý tưởng đã được Đức thực hiện trước đây trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

Thông tin Đức và Anh có ý định hoán chuyển vũ khí lần đầu xuất hiện vào cuối tháng 1. Thỏa thuận hoán chuyển vũ khí với Anh có thể giúp Đức gián tiếp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine mà không phải chuyển dòng Taurus cho Kiev.

Lý do Đức tới nay chưa chấp thuận chuyển giao cho Kiev tên lửa Taurus

Nguyên nhân do lo ngại nước này có thể sử dụng chúng để tập kích lãnh thổ Nga, khiến xung đột lan rộng ra khu vực. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm 29/2, đề cập lý do từ chối chuyển giao mẫu tên lửa này cho Ukraine: Tên lửa Taurus đủ khả năng tấn công một số mục tiêu nhất định ở thủ đô Moskva của Nga nếu bị sử dụng sai mục đích.

Ông cũng cho biết việc vận hành tên lửa Taurus nhiều khả năng cần đến sự hỗ trợ của binh sĩ Đức và Berlin không thể điều quân nhân đến Ukraine để giúp lực lượng của Kiev vận hành, do điều này đồng nghĩa với việc trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Chỉ vài ngày sau tuyên bố của ông Scholz, truyền thông Nga công bố đoạn ghi âm về nội dung cuộc họp của giới chỉ huy không quân Đức, trong đó thảo luận khả năng Berlin chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev, cũng như cách Ukraine có thể dùng chúng để tập kích mục tiêu Nga.

Giới quan sát nhận định thông tin này đã khiến Thủ tướng Scholz mất uy tín và đẩy ông vào tình thế rất khó xử.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang